THÔNG TIN CHI TIẾT
Tên tiếng Việt: Chìa vôi, Bạch phấn đằng, Bạch liễn
Tên khoa học: Cissus triloba (Lour.) Merr. - Callicarpa triloba Lour.; Cissus modeccoides Planch.
Họ: Vitaceae
Công dụng: Lợi sữa, kích dục, nhuận gan, giảm đau, nhọt, tê thấp, trướng bụng, đau tuyến sữa (Rễ củ)
A. Mô tả cây
- Dây chìa vôi là một loại cây nhỏ, mọc leo, dài chừng 2 đến 4 mét, toàn thân nhẵn, có tua cuốn đơn, nhỏ hình sợi. Lá đơn, xẻ thùy chân vịt, phía cuống hình tim, dài và rộng từ 6 đến 8cm, những lá phía gốc hầu như nguyên, hình mác, lá phía trên chia 5 đến 7 thùy, dài gần bằng nhau, mép hơi có răng cưa. Hoa màu vàng nhạt, mọc thành ngù đối diện với lá, nhưng ngắn hơn, có cuống.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Dây chìa vôi mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Thường người ta đào lấy rễ củ, thái mỏng, phơi hay sấy khô làm thuốc với tên bạch liễm hay củ chìa vôi. Có thể đào quanh năm nhưng tốt nhất vào thu đông.
C. Công dụng và liều dùng
- Dây chìa vôi chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân, chưa thấy được ghi vào tài liệu cổ.
- Nhân dân dùng làm thuốc chữa đau nhức xương, đau nhức đầu, tê thấp.
- Ngày dùng 10 đến 30g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Có người đã dùng thân cây chìa vôi rửa sạch, sát trùng rồi dùng nong cổ tử cung, sau đó cho uống một bài thuốc gồm các vị có tính chất kích thích sự co bóp tử cung để tống thai ra. Phương pháp đó có kết quả nhưng vẫn phải nạo lại bằng dụng cụ, thời gian nạo có chóng hơn.