Bạc thau


Bạc thau, Bạc thau là gì, công dụng của Bạc thau, cách sử dụng Bạc thau

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng việt: Bạc thau, Bạc sau, Bạch hoa đằng, Chấp miên, Thảo bạc

Tên khoa học: Argyreia acuta Lour.

Họ: Convolvulaceae.

Công dụng: Thuốc giảm ho, thông kinh, lợi tiểu, chữa đái buốt, đái rắt, đái ra dưỡng trấp; vết thương có nước vàng, mụn nhọt, bạch đới, sốt rét, viêm phế quản (Lá).

  • Còn gọi là Bạch hạc đằng, Bạc sau, Thau bạc, Mô bạc, Bạch hoa đằng, Lú lớn 
  • Tên khoa học Argyreia acuta Lour. 
  • Thuộc họ Bìm bìm Convolvulaceae. 

A. Mô tả cây

  • Bạc thau là một loại dây leo, thân có nhiều lông áp vào thân, màu trắng nhạt.
  • Lá hình bầu dục, phía cuống hơi hình tim, đầu nhọn dài 5-11cm, rộng 5-8cm, mặt trên nhẵn mặt dưới nhiều lông ngắn, mịn, bóng ánh như bạc do đó có tên bạc sau (mặt sau như bạc), sau đọc chệch thành bạc thau. Cuống có lông mịn màu trắng nhạt, dài 1,5 – 6cm.
  • Hoa trắng, mặt trong cũng có lông mịn, mọc thành đầu hay tán ở đầu cành. Quả mọng chín có màu đỏ hình cầu, đường kính 8mm, bao bọc bởi lá dài có mặt trong màu đỏ. Hạt 2-4 màu nâu, hình trứng, hơi 3 cạnh, dài 5mm, hình tim. 

B. Phân bố, thu hái và chế biến:

  • Mọc hoang khắp nơi ở trong nước ta nhưng chủ yếu ở miền Bắc và các tỉnh khu 4 cũ. Còn thấy ở Hoa Nam Trung Quốc. 
  • Người ta dùng lá và cành hái quanh năm làm thuốc. Dùng tươi hay phơi khô dùng dần. 

C. Thành phần hoá học:

  • Chưa thấy tài liệu nghiên cứu 

D. Công dụng và liều dùng:

  • Vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân. Dùng tươi giã nát đắp lên những nơi gãy xương, mụn nhọt cho hút mủ lên da non. 
  • Dùng khô chữa ho, điều kinh, bạch đới khí hư, thông tiểu. Hay dùng chữa ho trẻ con. 
  • Ngày dùng 6 đến 12g khô. Dùng ngoài tươi không kể liều lượng.