Cà dại hoa tím


Cà dại hoa tím, Cà dại hoa tím là gì, công dụng của Cà dại hoa tím, cách sử dụng Cà dại hoa tím

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng Việt: Cà dại hoa tím, Cà hoang gai, Cà ấn, Plờn plên (Kho), Mác rịa phạ đeng (Tày)

Tên khoa học: Solanum violaceum Ortega - Solanum indicum L.

Họ: Solanaceae

Công dụng: Chữa đau răng (Rễ sắc đặc ngậm). Thuốc chống nôn, tẩy (Rễ sắc uống). Phong tê thấp (cả cây sắc uống). Còn chữa sưng amygdal, đau dạ dày, chữa hen suyễn, sinh đẻ khó, sốt, bệnh giun, đau bụng.

 

A. Mô tả cây 

  • Cây nhỏ có cành mọc đứng, cao 0,6-1,3m, thân và cành có gai và có lông hình sao. Lá mọc so le mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt, phủ nhiều lông. Phiến lá dài 5-7cm, rộng 2,5-5cm, chia thành 3-4 thuỳ, cắt không sâu, cuống lá cũng phủ lông, dài 1,5-3cm. Cả hai mặt lá đều có gai, rải rác ở gân.
  • Hoa tím xanh, phủ lông bên ngoài, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả tròn hình cầu màu vàng hay đỏ nhạt, nhẵn, đường kính 1cm. Hạt màu vàng, hình dĩa, nhẵn, đường kính 2mm. Mùa hoa quả: tháng 1-6.

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Cây mọc hoang dại ở khắp nơi, thường ở ven đường, bãi trống.
  • Người ta đào rễ gần như quanh năm, rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô. Ngoài ra người ta còn dùng hạt thu hái ở những quả đã chín đỏ. Tại Ấn Độ và Malaysia người ta còn dùng quả chưa chín hẳn để chế bột cary.

C. Thành phần hóa học 

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Puntambekar S.V. và Krishana s. đã chiết từ hạt cà dại này một chất dầu béo (Fatty oil from the seed of Solatium indicum L. J. Ind. Chem. Soc. 18, 1941: 329-334).

D. Công dụng và liều dùng 

  • Rễ cây cà dại hoa tím được nhân dân dùng là thuốc chữa ho, hen, sốt, lợi tiểu. Có khi dùng chống nôn và tẩy nhẹ. Ngày uống 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
  • Hạt rang cháy cho lên khói, hứng khói này vào miệng chữa đau răng và sâu răng, than hạt còn lại giã nhỏ xát lên lợi nơi đau răng.

Đơn thuốc có Cà dại hoa tím:

  1. Tẩy, chống nôn: dùng rễ Cà dại hoa tím 6-12g, sắc uống.
  2. Đau răng: dùng 6-12g sắc đặc, ngậm.