Cây Thiên Ma


Cây Thiên Ma, Cây Thiên Ma là gì, công dụng của Cây Thiên Ma, cách sử dụng Cây Thiên Ma

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng Việt: Minh thiên ma, Xích tiễn, Định phong thảo

Tên khoa học: Gastrodia elata Blume

Họ: Lan (Orchidaceae)

Công dụng: Phối hợp cùng nhiều vị thuốc khác chữa trị suy nhược thần kinh, đau đầu do mạch máu, trị đau thần kinh, trị động kinh, trị đau đầu hoa mắt chóng mặt.

 

 

Cây Thiên Ma 1

1. Mô tả

Thân rễ hình bầu dục hoặc dạng thanh mỏng, quăn lại và hơi cong queo, dài 3 – 15cm, rộng 1,5 – 6cm, dày 0,5 – 2cm. Mặt ngoài màu trắng đến hơi vàng, hoặc nâu hơi vàng, có vân nhăn dọc và nhiều vân vòng tròn ngang của những chồi búp tiềm tàng, đôi khi là những cuống noãn màu nâu hiện ra rõ rệt. Đỉnh dược liệu có những chồi hình mỏ vẹt, màu nâu đỏ đến nâu sẫm hoặc có những vết của thân; phía dưới có một vết sẹo tròn. Chất cứng rắn như sừng, khó bẻ gãy, mặt bẻ tương đối phẳng, màu trắng hơi vàng đến màu nâu. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt.

2. Bột

Bột màu trắng hơi vàng đến màu nâu hơi vàng. Soi dưới kính hiển vi thấy: tế bào mô mềm, hình bầu dục hoặc đa số có hình nhiều cạnh, đường kính 70 – 180 μm; thành dày 3 – 8 μm, hóa gỗ, có lỗ rõ rệt. Tinh thể calci oxalat hình kim xếp thành bó hay rải rác, dài 25 – 75 – 93 μm. Khi ngâm trong thuốc thử tinh bột Smith (TT), thấy các tế bào mô mềm chứa polysacarid gelatin hóa không màu và các tế bào chứa hạt nhỏ hình trứng dài, bầu dục dài hoặc gần hình tròn, cho màu nâu hoặc tía hơi nâu với dung dịch iod. Mảnh mạch xoắn, mạch mạng, đường kính 8 – 30 μm.

3. Bảo quản:

Để nơi khô mát.

4. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thiên ma có tác dụng an thần chống co giật.
  • Thuốc có tác dụng làm giảm đau, tác dụng giảm đau của loại mọc hoang mạnh hơn loại trồng. Thuốc chích Thiên ma và loại do nhân tạo cũng có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng kháng viêm.
  • Thiên ma làm tăng cường lưu lượng máu ở tim và não, làm giảm lực cản của mạch máu, làm giãn mạch ngoại vi, có tác dụng hạ áp, làm chậm nhịp tim, nâng cao sức chịu đựng thiếu oxy của động vật thí nghiệm.
  • Polysaccharide của Thiên ma có hoạt tính miễn dịch.

5. Ứng dụng lâm sàng:

a) Trị suy nhược thần kinh và đau đầu do mạch máu:

Tác giả dùng chất chiết xuất Thiên ma tố trị suy nhược thần kinh 156 ca, đau đầu do mạch máu 72 ca đều có kết quả tốt (Tạp chí thần kinh tinh thần Trung Quốc 1986,5:265).

b) Trị đau thần kinh

Lý Cung và cộng sự dùng dịch chích Thiên ma 50% chích bắp mỗi lần 2 – 4ml, ngày 2 – 3 lần, 20 ngày là 1 liệu trình. Đã trị các loại bệnh nhân: đau đầu do mạch máu 162 ca, đau dây thần kinh tam thoa 130 ca, đau thần kinh hông 148 ca, viêm đa thần kinh do nhiễm độc 20 ca, điều trị 1 – 2 liệu trình. Tỷ lệ giảm đau 91,36 – 95% (Học báo của Y học viện Cát Lâm 1982,1:28).

c) Trị động kinh:

  • Triệu Ông Bình và cộng sự cho bệnh nhân uống viên Vannillin, người lớn bắt đầu 1,5g mỗi ngày chia 3 lần. Sau 4 tuần không khỏi có tăng lên 2 g, nếu 2 tuần sau không kết quả tăng lên đến 2,5g. Trẻ em giảm liều, dùng thuốc 3 – 6 tháng theo dõi 291 ca, tỷ lệ kết quả 73,9% (Tạp chí thần kinh tinh thần Trung hoa 1985,3:139).
  • Trần Kiến Gia giới thiệu: cũng dùng cách trên đây trị 215 ca, kết quả đối với cơn lớn 76,8%, đối với cơn nhỏ có kết quả 67%, tỷ lệ kết quả chung là 72,5% (Báo Tân dược và lâm sàng 1986,3:147).

d) Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt:

Thiên ma hoàn: Thiên ma 15g, xuyên khung 5g, chế thành hoàn, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 3 lần.

e) Trị đau khớp, chân tay tê dại:

  • Ngưu tất 10g, Thiên ma 10g, toàn yết 3g, nhũ hương 5g, tán bột mịn hồ làm hoàn hoặc sắc uống.
  • Thiên ma hoàn: Thiên ma, đỗ trọng, Ngưu tất, tỳ giải, phụ tử, Đương quy, Sinh địa đều 10g, huyền sâm 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Trị đau khớp do phong hàn thấp.

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 – 10g. Tán bột uống 1 – 1,5g/lần.
  • Thiên ma là loại thuốc quí trên thị trường nên có nhiều loại giả, lúc mua cần chú ý: Thiên ma loại giả chất đặc bóng, hơi trong là thứ tốt (cho nên gọi là Minh Thiên ma). Chú ý nhận mặt thuốc thật thường là: chất cứng đặc, một đầu có nha bào khô màu đỏ nâu, một đầu có rốn tròn thành sẹo, trên mặt có vân là thật. Đông ma nặng không có tâm rỗng, cắt ngang trong suốt. Xuân ma phần nhiều chất nhẹ, cắt ngang tối xạm tâm rỗng, nên chất lượng kém hơn.