Co lim


Co lim, Co lim là gì, công dụng của Co lim, cách sử dụng Co lim

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng việt: Cáng lò, Co lim (Thái), Thiềng cùng eng (Tày)

Tên khoa học: Betula alnoides Buch.-Ham.

Họ: Betulaceae

Công dụng: Chữa tê thấp (Vỏ cây giã đắp hoặc ngâm rượu bóp). Vỏ còn dùng chữa cảm mạo, đau dạ dày, lỵ, rắn cắn.

 

1. Mô tả:

Cây to, thân thẳng có vỏ màu xám – nâu. Lá mọc so le, hình bầu dục – mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mép có răng cưa, mặt trên nhẵn màu sẫm, mặt dưới nhạt có tuyến nhựa.

Cụm hoa hình đuôi sóc, thon dài, hoa đực có bao hoa, chỉ nhị chẻ đôi.

Quả hạch nhỏ, gần tròn hoặc thuôn, có lông.

Mùa hoa quả: tháng 3-5

2. Phân bố,sinh thái:

– Chi Betula L., hiện chỉ biết một loài là co lim ở Việt Nam. Tuy nhiên, chi này lại rất phong phú về thành phần loài cũng như về quần thể của mỗi loài ở vùng ôn đới ẩm và cận nhiệt đới Bắc bán cầu, bao gồm Liên bang Nga, các nước ở vùng cận Ban Tích, Trung Quốc, Ấn Độ..

Ở Việt Nam, co lim có thể được coi như giới hạn phân bố của loài về phía Nam. Cây đã phát hiện ở một số vùng núi cao khoảng 800 m trở nên ở các tỉnh Yên Bái (Mù Cang Chải), Lào Cai (Sapa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Than Uyên), Lai Châu (Phong Thổ, Sìn Hổ, Tủa Chùa), Hà Giang (Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê)… Co lim là cây ưa sáng, thường mọc lẫn với một số loài cây gỗ khác thuộc chi Calophyllum, Quercus, Machilus, Litsea, Alnus… ở loại rừng kín thường xanh đã trở nên thứ sinh. Ngoài ra, trong các kiểu rừng non phục  hồi trên đất nương rẫy cũ cũng thấy có mặt loài cây này. Cây thích nghi với điều kiện khí hậu của vùng nhiệt đới núi cao, có thể sống tốt ở nơi đất hơi chua, ít nhiều đã bị xói mòn – mà ở tầng thảm tươi bên dưới chỉ có tẽ guột và một số loài cỏ cao (xã Thái An – Quản Bạ và Du Tiến – Yên Minh tỉnh Hà Giang).

Colim mọc từ hạt sau 5 – 7 năm đã bắt đầu có hoa quả. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, gỗ thân mềm, dễ gia công, thường dùng để đóng đồ gia dụng, làm bếp và chuồng gia súc.

3. Bộ phận dùng:

Vỏ và lá, thu hái vào mùa xuân hoặc mùa thu,

4. Thành phần hóa học:

Nguyễn Xuân Dũng, Lã Đình Mỡi đã cất tinh dầu từ vỏ tươi co lim và phân tích bằng sắc ký khí kết hợp sắc ký khối phổ thấy tinh dầu chứa chủ yếu là methyl salicylat 99,4% cùng 8 thành phần khác, trong đó 6 chất đã được xác định (J essential oil res 1995, 7 (5) 565 – G : CA 123, 1995 28 O928. S).Nath, Subhan C. Bordoloi Dina. N phân tích thành phần tinh dầu của vỏ co lim mọc hoang ở vùng Tây Bắc Ấn Độ thấy có 98,2% methylsalicylat. (CA. 116, 1992.37979r).

Trần Văn Sung, TT Thủy đã phân lập từ vỏ cây co lim ở tỉnh Sơn La được các chất lupeol, acid 3 -O – acetoxy oleanolic, acid betulinic và betulin (Planta media 1995, 61 (5) 486, CA 124,1996, 4959 w).

Cao colun có trong thành phần một loại thuốc bổ dưỡng và kích thích mọc tóc gồm cao co lim 10%. minoxidil 0,5°, ethanol 62,5%, propylen glycol 5% và nước cất 22% (CA 127, 1997, 23.468 p)

5. Công dụng:

Đồng bào Thái ở Tây Bắc dùng vỏ cây co lim dã nát đắp vào rốn, băng lại làm thuốc hạn chế sinh đẻ.

Ở Trung Quốc, nhân dân ở một số nơi dùng vỏ cây trị cảm mạo, đau dạ dày, lỵ và phong thấp, đau xương.

Ở Ấn Độ, vỏ và lá trị rắn cắn.

Ở Nepal, nhân dân lại dùng vỏ thân co lim phối hợp với lá Stephania glandulifera (lượng bằng nhau) để chữa rong kinh.

Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.