Dâm hôi


Dâm hôi, Dâm hôi là gì, công dụng của Dâm hôi, cách sử dụng Dâm hôi

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng việt: Dâm hôi, Chùm hôi, Châm châu, Nhâm rừng, Hồng bì dại, Mắc mật, Mác mật mu, Voòng ma, Vâm bẩy phít điằng

Tên khoa học: Micromelum falcatum (Lour.) Tanaka

Họ: Rutaceae

Công dụng: Chữa ho (Vỏ thân). Đau bụng (Hạt). Tê thấp, đau đầu gối (Lá giã trộn giấmđắp). Ghẻ (Lá vò đặc bôi)

 

 

1. Mô tả:

  • Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, Nhánh có lông len, rồi nhẵn. Lá màu lục vàng, kép lông chim lẻ, gồm 7-9 lá chét, hình ngọn giáo, không cân đối ở gốc, có mũi nhọn sắc kéo dài, khía tai bèo không rõ, nhẵn, trừ trên gân giữa ở mặt trên và các gân lớn ở mặt dưới. Hoa trắng, trăng trắng hay vàng, họp thành cụm hoa có lông mềm, ngắn hơn lá, cánh hoa có ít hoặc không có lông nhung. Quả màu vàng, màu cam hay đỏ, nhẵn, dạng bầu dục, nạc có nhiều tuyến, có 2-3 ô, mỗi ô chứa 1 hạt.
  • Mùa hoa tháng 11-3, quả tháng 5-7.

2. Bộ phận dùng:

Rễ, lá – Radix et Folium Micromeli.

3. Nơi sống và thu hái:

Cây phân bố ở Đông Dương, Trung Quốc và Malaixia, mọc ở rừng núi, trong các rừng thưa. Lá thường dùng tươi. Rễ lấy về, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô.

4. Thành phần hoá học:

Lá và quả chứa tinh dầu; hoa thơm tiết mùi acid prussic.

5. Tính vị, tác dụng:

Rễ, lá có vị đắng, cay, tính ấm; có tác dụng tán ứ hành khí, giảm đau, hoạt huyết.

6. Công dụng:

Lá dùng trị cảm mạo, rắn độc cắn, các vết thương nhiễm trùng hay sâu bọ đốt. Lá sao vàng ngâm rượu xoa bóp chữa tê thấp, teo cơ. Rễ chữa ho hen, tức ngực, phong thấp tê bại, chân tay co quắp, đòn ngã tổn thương, vết đứt dao chém. Một số nơi dùng lá hay rễ sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, sốt, tê thấp. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu để xoa bóp. Dùng ngoài lấy lá tươi giã đắp.

Đơn thuốc:

Đau nhức, teo cơ: Rễ Kim sương sao vàng 50g, cồn 40o 500ml, ngâm trong vòng 1 tuần lễ. Dùng rượu này xoa bóp vào chỗ đau.