Hành đen


Hành đen, Hành đen là gì, công dụng của Hành đen, cách sử dụng Hành đen

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng Việt: Hành đen, Ô phỉ, Ráng hành đen, Cây lá dẹt

Tên khoa học: Sphaenomeris chinensis (L.) Max.

Họ: Dennstaedtiaceae

Công dụng: Chữa động thai (cả cây sắc uống).

A. Mô tả cây:

  • Cây sống lâu năm, có thân rễ mọc bò, có nhiều vảy hẹp, quăn, màu nâu nhạt. Lá kép lông chim 3 lần, mọc thẳng từ thân rễ, có cuống dài 10-50cm, màu nâu; lá chét bậc một có cuống, tạo thành với trục lá một góc 45-55 độ, hình tam giác – ngọn giáo, đầu thuôn hẹp; lá chét bậc hai mọc so le, có cuống ngắn, các đoạn cuối cùng hình nêm, đầu cụt, nhẵn.
  • Ổ túi bào tử ở đầu các gân của thuỳ lá, mỗi thuỳ có 1-2 ổ; bào tử có dạng mũ màu nâu.
  • Mùa sinh sản: Tháng 5-10

B. Phân bố, sinh thái: 

  • Hành đen là loại dương xỉ nhỏ có dáng lá dẹp, phân bố chủ yếu ở các vùng núi nhiệt đới hay cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Trung Quốc, Lào, Việt Nam và một số nước khác vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, hành đen phân bố tương đối phổ biến ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc ở độ cao đến 2000m thuộc Lào Cai (đèo Hoàng Liên Sơn), Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An. Ở các tỉnh miền núi phía nam gặp ít hơn.
  • Hành đen là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở các vách núi được tạo ra khi mở đường, ở ven rừng, bờ nương rẫy và chân đồi. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm; vào tháng 5-8; thân rễ đẻ nhánh nhiều nên thường mọc thành khóm; sinh sản bằng bào tử, cây có thể trồng được từ các cây còn nhỏ thu thập trong tự nhiên.

C. Bộ phận dùng:

Toàn cây.

D. Tính vị, công năng:

Hành đen có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp.

E. Công dụng:

Hành đen được dùng chữa cảm cúm, sốt, viêm họng, ho, quai bị và lỵ. Ngày 40-80g sắc uống. Để chữa bỏng và mụn lở, toàn cây nấu nước tắm, rửa.