Cam


Cam, Cam là gì, công dụng của Cam, cách sử dụng Cam

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng việt: Cam, Cam chua, Toan đăng

Tên khoa học: Citrus sinensis (L.) Osbeck

Họ: Rutaceae

Công dụng: Thuốc an thần (Lá, Hoa). Kích thích tiêu hoá, trừ giun, ho long đờm (Vỏ).

CAM

Cam có tên khoa học là: Citrus sinensis (L.) Osbeck. Quả cam vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, thanh nhiệt, tiêu đờm và lợi tiểu. Vỏ quả cam có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tiêu đờm, thông ứ trệ, giúp tiêu hóa giống như vỏ quýt.

Tên tiếng việt: Cam

Tên khoa học: Citrus sinensis (L.) Osbeck

Tên khác: Cam chanh

Họ: Cam (Rutaceae)

1.Mô tả

  • Cây nhỡ, cao vài mét. Thân nhẵn không gai hoặc có ít gai. Cành non hơi có cạnh. Lá mọc so le, phiến dai, hình trái xoan, dài 5-10 cm, rộng 2,5 – 5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên, hơi khía tai bèo ở phần đầu lá, gân lá nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá hơi có cánh.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm nhỏ gồm 6-8 hoa màu trắng; lá bắc hình mũi mác; đài hình dấu, 5 răng tròn dính nhau ở nửa phần dưới; tràng gồm 5 cánh thuôn rời nhau; nhị nhiều, ngắn hơn cánh hoa, dính nhau không đều; bầu hình cầu.
  • Quả hình cầu, khi chín màu vàng da cam, vỏ khó bóc, có nhiều múi chứa tép vị chua, ngọt; hạt hình quả lê.
  • Mùa hoa: tháng 1-2, mùa quả, tháng 10 – 12.
  • Có nhiều giống cam quý ở Việt Nam:
  • Cam Xã Đoài, thơm, ngon, ngọt. Cam đường, vỏ mỏng, màu vàng đỏ hay đỏ sẫm, dễ bóc gồm cam giấy, cam bù và cam voi (dạng lai giữa cam bù và bưởi). Cam sành, vỏ dày, sần sùi, dễ bóc, ruột đỏ, vị ngọt hơi chua, giống phổ biến là cam Bố Hạ. Cam ở miền Nam, khi chín vỏ quả vẫn xanh.
  • Vỏ của những giống này cũng được dùng như cam chanh với công dụng tương tự.

2.Phân bố, sinh thái

Trong số các loài cây trồng thuộc chi Citrus L, có lẽ cam là cây trồng lâu đời và có phạm vi rộng rãi nhất trên thế giới. Cam được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới như châu Á, châu Mỹ, châu Phi và cả châu Âu. Là một loại cây ăn quả quan trọng, qua quá trình trồng trọt, người ta đã lai tạo ra nhiều giống cam có chất lượng cao và thích nghi với nhiều vùng trồng khác nhau. Việt Nam có thể được coi là một trong những trung tâm đa dạng cao với nhiều giống cam bản địa quý như cam Bố Hạ – cam sành ở Bắc Giang, cam bù ở Hà Tĩnh, cam Vinh ở Nghệ An, cam xã Đoài ở Nghi Diên, Nghệ An, cam Bắc Quang ở Hà Giang… Mỗi loại cam có phẩm chất, hình dáng, kích thước, màu sắc, và điều kiện sống khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung nhất của các giống cam trồng ở Việt Nam là loại cây ưa sáng, ưa nơi đất cao, thoát nước và có độ pH từ trung tính đến hơi chua. Cây rụng lá vào mùa đông. Đến mùa xuân, cây ra lá non và bắt đầu có hoa. Côn trùng là tác nhân thụ phấn chủ yếu cho cây. Cam có khả năng tái sinh vô tính và hữu tính mạnh.

4.Cách trồng

  • Cam được trồng từ lâu đời ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới, với một tập đoàn cây khá đa dạng.Về mặt thực vật học, cam có 2 giống chính là cam chua và cam ngọt. Nhưng có rất nhiều giống cam khác nhau do kết quả của việc chọn lọc và lai tạo. Ngoài ra, chất đất cũng góp phần tạo nên sự đa dạng này với ảnh hưởng khá rõ nét tới chất lượng, nhất là hương vị của cam. Cùng với giống cam và chất đất, ở Việt Nam đã hình thành khá nhiều vùng cam nổi tiếng. Gần đây, nghề trồng cam đã được hồi phục. Nhiều tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh đã trở thành những vùng cam có tiếng. Để khắc phục tình trạng nhiễm bệnh và đảm bảo hiệu quả kinh tế của nghề trồng cam trong nền kinh tế thị trường, kỹ thuật trồng cam đang có nhiều thay đổi.
  • Trong nghề trồng cam hiện đại, cây giống bắt buộc phải được sản xuất bằng phương pháp chiết, ghép hoặc giâm cành ở những cơ sở có chuyên môn và được cách ly. Nguyên liệu nhân giống (kể cả gốc ghép) cần được chọn lựa và kiểm tra một cách cẩn thận, đảm bảo hoàn toàn sạch bệnh.
  • Cam ưa nhiệt độ trung bình 16 – 22°c, lượng mưa 1200 – 1500mm, đất có độ pH 5,5 – 6,5, tầng canh tác dày 60cm trở lên, cao ráo thoát nước, mực nước ngầm không dưới 1m. Đất phù sa cổ, đất pha cát ở đồng bằng cũng trồng được cam, nhưng phần lớn những vùng trồng cam tập trung đều là đất đồi có độ dốc vừa phải. Nếu độ dốc lớn, có thể làm luống theo đường đồng mức hay thành ruộng bậc thang. Cây giống được trồng theo hố rộng 60 – 70cm, sâu 60 – 70cm. Mỗi hố bón lót 30 – 50kg phân chuồng, 2kg lân, 1 kg kali và 1 kg vôi bột. Trước đây, cam thường được trồng với khoảng cách 6 X 5m, nhưng hiện nay trồng dày hơn: 3 – 4 X 1,2 – 2,0m (khoảng 800 cây/ha). Trồng dày nhanh chóng tận dụng được diện tích, không ảnh hưởng đến độ lớn và chất lượng của quả, tránh được xây xước vỏ quả do va đập khi có gió to và hạn chế được độ cao cây, đỡ tốn công thu hái.
  • Hàng năm, vườn cam cần được làm cỏ, vun xới và bổ sung thêm phân 2-3 lần. Mỗi lần có thể dùng 10 – 15 kg phân chuồng, 2-3 phân đạm, 2 – 3kg lân và 1kg kali cho mỗi gốc. Khi bón đào rãnh sâu 15 – 20cm, rộng 20 – 30cm xung quanh gốc hoặc giữa hàng cây, rải đều phân và lấp đất. Sau mỗi vụ thu quả, cần tỉa bỏ cành già, cành bị sâu bệnh và dùng nước vôi quét lên vết cắt. Chỉ nên duy trì vườn cam từ 15 đến 20 năm.
  • Cam sống thích nghi ở vùng nhiệt đới, nhưng điều đó không có nghĩa là khí hậu nhiệt đới là điều kiện lý tưởng đối với nghề trồng cam thương mại. Nấm bệnh, côn trùng, cỏ dại và những biến động quanh năm của thời tiết có thể ảnh hưởng không nhỏ tới việc ra hoa và đậu quả. Các nhà khoa học đang cố gắng tạo ra những giống cam thích nghi cho từng vùng và có khả năng kháng hoặc chịu đựng được các loại virus và bệnh hại khác.
  • Hơn 20 loại virus và khuẩn hại cam đã được phát hiện, trong đó nguy hiểm nhất là tristeza và greening. Cả 2 bệnh này đều lan truyền bởi chiết, ghép và côn trùng (Diaphorina Citri), thông qua một số cây trung gian như nguyệt quý (Murraya panìculata), dừa cạn (Catharanthus roseus)… Vì vậy, cần phát quang đất trước và sau khi trồng, kiểm tra kỹ cây mẹ đầu dòng trước khi nhân giống và dùng thuốc diệt côn trùng. Trong số các bệnh sinh ra từ đất, đáng kể nhất là bệnh thối rễ do Fhytophthra Citrophthora và bệnh thiếu dinh dưỡng vi lượng.
  • Ngoài ra, còn có bệnh phấn trắng và một số bệnh nấm khác hại lá, quả. Các loại bệnh này có thể chữa bằng cách phun các thuốc diệt nấm như Benlat (0,3 – 0, 5%), Boocđô (1%), Kasuran (0,1%) hoặc Zineb (0,5 -0,7%). Cam trồng chủ yếu để lấy quả. Mỗi giống cam có một mùa thu hái khác nhau, chủ yếu thu vào tháng 10 – 12.

5.Bộ phận dùng

Quả, gồm dịch quả và vỏ quả. Hoa và lá.

6.Thành phần hóa học

  • Dịch quả cam chứa đường, acid, tinh dầu. Tinh dầu gồm alcol ethylic, alcol isoamylic, alcol phenylethylic, aceton, acetaldehyđ, acid formic và ester của các acid formic, acid acetic và acid caprylic, geraniol, terpineol.
  • Vỏ quả có pectin, flavonoid, tinh dầu, với thành phần là d – iimonen (có thể tới 90%), citral, methyl ester của acid antranilic.
  • Theo Lee Yuung Chang (CA. 111, 201452h), quả có umbeliferon, naringin, hesperidin, neohesperidin. Tài liệu khác cho biết quả có poncirin, naringin, citrifoliosid, citrifoliol – 1 – isosakuranetin, neohesperidin, poncimarin, isoponcimarin.
  • Hạt có dầu béo, coumarin, limonin. Dầu béo chứa acid palmitic, acid stearic, acid oleic, β – sitosterol. Các coumarin bao gồm imperatorin, bergapten, aurapten, 7 – geranyl oxycoumarin, 6 – methoxyaurapten, deacetylnomilin, xanthotoxol, aloimperatorin, isopimpinelin, prangenin, prangeniil hydrat.
  • Hoa cam chứa tinh dầu trong đó có nhiều thành phần tan trong nước, acid phenylacetic và methyl antranilat. 

7.Tác dụng dược lý

  • Tác dụng kháng khuẩn:
  • Tinh dầu vỏ quả và tinh dầu hoa cam có tác dụng kháng khuẩn mạnh trên Bacillus subtilis, B. mycoides, Salmonella typhi. Shigella dysertterìae, Sh. flexneri, Escherichia coli, trong đó tinh dầu hoa có tác dụng bằng hoặc hơi kém hơn tinh dầu vỏ quả; có tác dụng vừa trên Klebsiella, Candida albicans, Mycobacterium tuberculosis và tác đụng yếu trên B. pyocyaneus. Nồng độ tối thiểu ức chế được đối với các vi khuẩn nhạy cảm là 1: 1280.
  • Cao vỏ cam chiết bằng cách ngấm kiệt với cồn có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn thông thường. Mức độ tác dụng có kém tinh dầu.
  • Tác dụng diệt côn trùng:
  • Tinh dầu cam và dịch chiết cồn vỏ cam tươi độc với côn trùng, nhưng vỏ cam đã khô không có tác dụng. Tinh dầu cam có tác dụng diệt côn trùng mạnh hơn tinh dầu chanh và tinh dầu quít hôi.

8.Tính vị, công năng

Quả cam vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, thanh nhiệt, tiêu đờm và lợi tiểu.

Vỏ quả cam có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tiêu đờm, thông ứ trệ, giúp tiêu hóa giống như vỏ quýt.

Vỏ cây cam có vị ngọt, hơi the, tính mát, có tác dụng hạ khí đầy, điều hòa tỳ vị.

9.Công dụng

  • Lá cam: nước hãm để bổ dạ dầy (kiện vị), chữa sốt, khó tiêu, nôn. Dịch lá non chữa tai chẩy nước vàng, hoặc chảy ra máu, mủ.
  • Hoa: nước hãm uống để dịu thần kinh, nước cất từ hoa bão hòa tinh dầu gọi là nước cất hoa cam đùng để pha chế thuốc theo đơn.
  • Vỏ quả cam: nước hãm kích thích ăn ngon miệng, và tiêu hóa tốt làm dịu đau dạ dầy, đầy bụng, ợ chua. Vỏ quả tươi sát vào da mặt để chữa mụn trứng cá. Nước sắc uống để kích thích tiết mật, tăng nhu động ruột, chống táo bón, lợi trung tiện.
  • Dịch quả: giải nhiệt, trị sốt, cảm cúm, ho. Ở Ấn Độ, dịch quả được dùng cho người bị đau mật, tiêu chảy ra mật và để khử độc. Chỉ ăn toàn cam trong 3 ngày có tác dụng như uống một liều thuốc tẩy độc cơ thể.

10 .Bài thuốc có cam

Chữa phù sau khi đẻ: Vỏ thân cây cam dùng riêng, hoặc phối hợp với vỏ thân cây bưởi và vỏ thân cây chân chim, mỗi vị 12g sắc uống trong ngày.