Cúc tím


Cúc tím, Cúc tím là gì, công dụng của Cúc tím, cách sử dụng Cúc tím

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng Việt: Cúc tím , Hoa tím, Cỏ bướm tím, Tô liên cọng, Nhả ma bả (Tày)

Tên khoa học: Torenia violacea (Azaola ex Blanco) Pennell - Mimulus violaceus Azaola ex Blanco

Họ: Scrophulariaceae

Công dụng: Chữa đau đầu, điều kinh, cảm sốt (cả cây sắc uống).

 

1. Mô tả:

  • Cây thảo hằng năm, mọc bò hay đứng, cao đến 40cm, thân mềm, nhẵn.
  • Lá mọc đối, có cuống dài, phiến dài xoan, dài 1,5-4cm, gốc tròn hay cắt ngang, mép có răng, gân phụ 3-4 cặp mặt trên có lông thưa, mặt dưới có lông ở gân. Hoa ở nách lá hay ở ngọn các nhánh; cuống hoa 1-2cm, dài 10-12mm, có 5 cánh cao đến 2mm; tràng dài 2,5cm, màu trắng với thuỳ bên tím, nhị 4. Quả nang hình thoi, có khía lõm, cao 8-10mm; hạt nhỏ, hình bầu dục.
  • Hoa quả tháng 5-9.

2. Bộ phận dùng:

Toàn cây – Herba Toreniae Violaceae.

3. Nơi sống và thu hái:

Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc phổ biến ở các nương rẫy cũ, các bãi cỏ ẩm ven đồi, ven rừng, ven suối đến 1300m, từ Lào Cai, Hoà Bình đến Lâm Ðồng, Ðồng Nai. Thu hái cây quanh năm dùng tươi hay phơi khô.

4. Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng chữa đau đầu, cảm sốt, kinh nguyệt không đều. Ngày dùng 30-50g cây tươi giã nát, ngâm nước sôi 10 phút, gạn lấy nước trong uống làm 1 lần. Hoặc dùng 10-20g cây khô sắc uống.