Lá dong


Lá dong, Lá dong là gì, công dụng của Lá dong, cách sử dụng Lá dong

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng Việt: Dong, Cây lùn, Toong chinh, Lá dong

Tên khoa học: Phrynium parviflorum Roxb.

Họ: Marantaceae

Công dụng: Dùng làm thuốc giã rượu chữa say rượu, còn dùng làm thuốc giải độc, đắp vết thương rắn cắn.

 

A. Mô tả cây 

  • Cây cao khoảng 1 m. Lá to hình trứng thuôn dài đầu nhọn, nhẵn, dài 35cm, rộng 12cm, cuống dài 22cm, trong đó 2-3cm phía trên nhẵn. Cụm hoa hình đầu, không cuống, nằm trong bẹ của lá, đường kính 4-5cm gồm 4-5 hoa. Cánh hoa màu trắng hay đỏ. Quả hình trứng dài 11mm, một phía khum nhiều hơn phía kia. Hạt thuôn dài với áo hạt gồm 2 phiến.
  • Mùa hoa quả: tháng 4-6.

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Cây mọc hoang ở khắp núi rừng những nơi ẩm ướt. Còn thấy mọc ở Ấn Độ, Inđonesia, nam Trung Quốc. Được trồng để lấy lá gói bánh.
  • Lá còn dùng làm thuốc, có thể thu hái quanh năm. Dùng tươi.

C. Thành phần hoá học 

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu

D. Công dụng và liều dùng 

  • Lá dong được dùng chủ yếu để gói bánh chưng, bánh chưng gói lá dong sau khi luộc lên có một mùi thơm đặc biệt và dễ chịu. Lá dong non được dùng chế dấm: Lá dong non nhúng vào rượu, hoặc lá dong ngâm trong nước đường (một phần đường, ba phần nước).
  • Lá dong được nhân dân dùng làm thuốc giã rượu chữa say rượu, còn dùng làm thuốc giải độc: Ngày uống 100-200g giã nát, vắt lấy nước cho uống.
  • Chữa rắn cắn: Lá dong nhai nát nuốt nước lấy bã đắp lên nơi rắn cắn.