Thần khúc


Thần khúc, Thần khúc là gì, công dụng của Thần khúc, cách sử dụng Thần khúc

THÔNG TIN CHI TIẾT

Tên tiếng Việt: Lục thần khúc, Lục đình khúc, Kiến thần khúc

Tên khoa học: Massa medicata fermentata.

Họ:

Công dụng: Chữa các bệnh cảm mạo trong bốn mùa, cảm lạnh, cảm nắng, ăn uống không tiêu, miệng nôn, đi ỉa lỏng, lỵ, làm lợi sữa.

 

 

Thần khúc 1

Hình ảnh thần khúc

A. Nguồn gốc và chế biến

  • Qua 400-500 năm lịch sử từ khi thần khúc được ghi trong các sách cổ đến nay công thức và cách chế biến có nhiều thay đổi, chúng ta cần chú ý thay đổi cho thích hợp. Hiện nay ngay tại Trung Quốc cũng chưa thống nhất đơn. Do cách chế biến khác nhau, có thể đưa đến kết quả điều trị khác nhau.
  • Có mấy điểm cần chú ý:

– Số vị thuốc dùng để chế thần khúc lúc đầu chỉ có 4-6 vị, dần dần tăng lên 30-50 vị thuốc. Phần nhiều là những vị thuốc có tinh dầu. Các vị thuốc ấy phối hợp với bột mì, hay bột lúa mạch, cám, ủ cho lên mốc, cuối cùng phơi khô.
– Thời gian chế thuốc tốt nhất là mùa nực, từ ngày 5 tháng 5 đến ngày 20 tháng 7 âm lịch (khí hậu Trung Quốc).
– Lúc đầu thần khúc chỉ là một loại men để chế rượu, về sau mới dùng làm thuốc.
– Công thức đầu tiên về thần khúc (ghi trong Tề dân yếu thuật).
– Lúa mạch 100 lít: 60 lít sao lên, 30 lít nấu chín, 10 lít để sống.
– Sau đó đem tán thành bột.

  • Dùng đơn thuốc sau đây:

– Lá dâu 5 phần;
– Cây ké đầu ngựa 1 phần;
– Cây ngải cứu 1 phần;
– Ngô thù du hoặc cây nghể 1 phần;
Các vị này nấu đặc, vắt lọc lấy nước trộn với bột lúa mạch cho đều nắm thành bánh hay ép thành khuôn. Công việc tiến hành từ đầu tháng 7 đến 20 tháng 7 âm lịch là muộn nhất. Công thức ghi trong “bản thảo cương mục” (cân lạng do chúng tôi tính lại theo cân lạng mới): bột mì 60kg, thanh cao ép lấy nước 3 lít, bột xích tiểu đậu, hạnh nhân giã nát, mỗi vị 3 lít, nước ép cây thương nhĩ và cây nghể, mỗi thứ 3 lít. Những nước này trộn đều với bột mì rồi ủ kín cho lên mốc, đến khi mốc vàng đem ra phơi.

  • Những công thức thần khúc hiện nay càng ngày càng phức tạp.

– Thần khúc các quốc doanh dược liệu Việt Nam đang sản xuất và lưu hành ở thị trường gồm 22 vị thuốc tán bột, trộn với hồ nếp rồi đóng bánh 40g một, phơi khô ngay không cho lên mốc.
Cân lượng các vị thuốc như sau: thanh hao 1.000g, hương nhu 1.000g, hương phụ 1.000g, thương nhĩ thảo 1.000g, sơn tra 1.000g, ô dược 1.000g, thiên niên kiện 800g, quế 800g, hậu phác 800g, trần bì 800g, bán hạ chế 700g, bạc hà, sa nhân, bạch đàn hương, tô diệp, kinh giới, thảo đậu khấu mỗi vị 600g, mạch nha, địa liên mỗi vị 200g.
– Thần khúc của xưởng quốc doanh tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc, chế theo đơn gia truyền của một gia đình làm thuốc chuyên chế thần khúc từ năm 1741, gồm tới 52 vị thuốc khác nhau, tán bột đóng thành bánh 40g một, ủ cho lên mốc rồi mới phơi khô.

B. Thành phần hóa học

  • Do công thức chế biến không thống nhất cho nên thành phần hóa học rất thay đổi
  • Theo diệp quyết tuyền, có tác giả đã nghiên cứu thấy một loại thần khúc có các tinh dầu, glucozit, chất béo và men lipaza.

C. Công dụng và liều dùng

  • Thần khúc là một vị thuốc nhân dân. Sách cổ ghi về thần khúc như sau: vị cay, ngọt, tính ôn, vào hai kinh tỳ và vị. Có tác dụng tiêu thực, hành khí, kiện tỳ, dưỡng vị, dùng chữa các bệnh cảm mạo trong bốn mùa, cảm lạnh, cảm nắng, ăn uống không tiêu, miệng nôn, đi ỉa lỏng, lỵ, làm lợi sữa.
  • Ngày dùng 9-18g, có thể tới 40g dưới hình thức thuốc sắc hoặc thuốc bột, có khi sao lên mới dùng. Có khi kê lẫn với các vị thuốc khác coi thần khúc là một vị thuốc.

D. Đơn thuốc có thần khúc

  1. Thần khúc, thương truật, trần bì, hậu phác, mạch nha mỗi vị 14g. Các vị tán nhỏ. Ngày 3-6g chia làm 2 hoặc 3 lần uống (đơn thuốc của diệp quyết tuyền). Chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy, đi lỵ.
  2. Sơn tra, mạch nha, thần khúc, mỗi vị 4g. Sắc với nước chia 3 lần uống trong ngày, chữa bệnh ăn uống không tiêu, đau bụng, nôn mửa (đơn thuốc kinh nghiệm nhân dân)